Bao giờ thể thao Việt Nam mới vượt khỏi “vùng trũng”?
Tuy nhiên, trong khi kinh phí có hạn, chưa thể đầu tư đầy đủ và bài bản cho các vận động viên (VĐV) “ra biển lớn”, ngành thể dục - thể thao vẫn chỉ dừng lại ở mức tập trung đầu tư tìm kiếm thành tích tại các kỳ SEA Games, một sân chơi mà lâu nay người yêu thể thao vẫn quen gọi là cuộc thi thể thao "ao làng".
Liên đoàn Thể thao Đông - Nam Á (SEAGF) là tổ chức quyết định số môn thi đấu tại một kỳ SEA Games, dựa trên đăng ký của chủ nhà đăng cai. Theo Điều lệ của SEAGF, SEA Games sẽ phải tổ chức tối thiểu 22 môn thi đấu. Số môn được phân theo ba nhóm. Nhóm một là môn bắt buộc bao gồm: điền kinh, thể thao dưới nước. Nhóm hai phải có ít nhất 14 môn thuộc chương trình thi đấu Ô-lim-pích và ASIAD. Nhóm ba là các môn thuộc quyền chủ nhà đề xuất nhưng phải bảo đảm những môn này có ít nhất bốn quốc gia đăng ký tham dự. Từ năm 2016, SEAGF đã tổ chức nhiều hội thảo, qua đó nêu ý kiến để các quốc gia trong khu vực thảo luận khi cho rằng nên xây dựng một mô hình SEA Games thi đấu như một Đại hội Ô-lim-pích thu nhỏ. Nghĩa là, tính chất chuyên môn được đề cao hơn và các môn thể thao cơ bản cần được đưa vào thi đấu đúng quy chuẩn hơn. Những người yêu thể thao và cả các nhà chuyên môn trong khu vực Đông - Nam Á từ trước đến nay vẫn quen gọi SEA Games là cuộc thi thể thao “ao làng” và coi sân chơi này như một “vùng trũng” của thể thao châu lục. Từ “ao làng” mang ý ám chỉ về tình trạng nước chủ nhà luôn đưa những môn mà họ chiếm ưu thế vào thi đấu và loại bỏ các môn, các nội dung mà nước khác có ưu thế hơn (cho dù đó có là môn thể thao cơ bản của Ô-lim-pích) nhằm tới mục tiêu đạt số Huy chương vàng cao nhất. Cũng bởi thế, mỗi kỳ SEA Games thường xuất hiện nhiều môn thể thao lạ, chỉ phổ biến tại nước chủ nhà mà các nước khác không có, kiểu như: môn tâng cầu Chinlone của Mi-an-ma, cờ tưởng của In-đô-nê-xi-a và cả cầu chinh của Việt Nam chẳng hạn...
Có thể thấy rõ nhất tình trạng này ở SEA Games 28 - năm 2015 khi nước chủ nhà Xin-ga-po không đưa các môn cử tạ, ka-ra-tê-đô và vật vào tranh tài. Trước đó, trong các kỳ SEA Games năm 2009 và 2013, môn thể dục dụng cụ đã không được đưa vào thi đấu vì nước chủ nhà quá yếu về môn này. Năm nay, chủ nhà SEA Games 29 là Ma-lai-xi-a tổ chức 38 môn thể thao với 405 nội dung. Với quyền của chủ nhà, họ đã loại bỏ và hạn chế nhiều nội dung thi đấu trong nhóm môn Ô-lim-pích. Đơn cử như môn cử tạ được thi đấu nhưng không có nội dung dành cho nữ; quyền anh cũng chỉ cho tranh tài các hạng cân của nam. Các môn vật và đua thuyền râu-inh và ca-nô-inh cũng được đưa vào thi đấu. Bắn súng thì chỉ giới hạn ở một số nội dung. Trong một số cuộc họp trước khi thống nhất số nội dung chính thức, môn điền kinh đã được nước chủ nhà Ma-lai-xi-a thông báo bị cắt giảm nhóm nội dung chạy dài (gồm cả ma-ra-tông và đi bộ). Tuy nhiên, do phản ứng của các nước tham dự đại hội và sự lên tiếng của Liên đoàn điền kinh châu Á, Ban tổ chức SEA Games 29 mới đồng ý giữ lại đủ số nội dung thi đấu của điền kinh với 46 bộ huy chương.
Chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh (nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao, Tổng cục Thể dục - Thể thao) từng chia sẻ: Trước đây chúng ta đầu tư theo hướng đi tắt đón đầu thì việc dồn sức giành huy chương tại SEA Games là phù hợp. Nhưng ở giai đoạn thể thao phát triển hiện đại hơn và thực chất hơn thì tư duy ấy đã lạc hậu. Ông cho biết: “Thể thao Việt Nam cần có quan điểm nhất quán về việc tổ chức SEA Games. Nếu có thể, chúng ta cần góp sức vào quá trình thay đổi điều lệ của SEAGF, qua đó cùng nhau đưa SEA Games trở thành đại hội thể thao của những môn Ô-lim-pích. Trong trường hợp chưa thể thay đổi được, ngành thể thao Việt Nam vẫn phải kiên định việc đầu tư cho các môn thể thao Ô-lim-pích. Thành công của chúng ta trong kỳ SEA Games 28 ở Xin-ga-po được minh chứng là chiến thắng mạnh mẽ ở nhóm môn Ô-lim-pích như điền kinh, đua thuyền râu-inh, đấu kiếm, thể dục dụng cụ... Nhà quản lý nên sẵn sàng chấp nhận thất bại ở một số môn, hoặc chúng ta có thể không đứng trong ba quốc gia xếp đầu SEA Games, nhưng vận động viên các môn Ô-lim-pích tiến bộ chính là sự thành công lớn nhất”. Từ kỳ SEA Games năm 2005 đến năm 2015 (trước khi SEA Games 2017 tổ chức), thể thao Việt Nam luôn đứng trong ba quốc gia xếp đầu về thành tích huy chương. Thế nhưng khi tranh tài tại Đại hội thể thao châu Á (ASIAD), chúng ta luôn chật vật giành Huy chương vàng và có kỳ thì trắng tay. Kỳ ASIAD năm 2006, chúng ta giành nhiều nhất là ba HCV; các Đại hội tổ chức năm 2010 và 2014 đều chỉ đạt được một HCV.
Phó Tổng cục trưởng Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 2017 xác nhận “Năm nay, thể thao Việt Nam đăng ký thi đấu 26 môn tại SEA Games 29. Chúng ta đặt mục tiêu giành huy chương cao ở nhóm môn thể thao Ô-lim-pích. Tất cả sự đầu tư của Nhà nước và ngành thể thao cho vận động viên, huấn luyện viên sẽ được triển khai ưu tiên hết mức trong khả năng”. Dù thế, Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn khẳng định, thành tích nằm trong tốp ba nước đứng đầu vẫn là mục tiêu chung của đoàn Việt Nam.
Xét về thành tích giành huy chương tại đấu trường châu lục và Đông-Nam Á, Thái-lan luôn chứng tỏ ưu thế số một. Tại ASIAD 2014, Thái-lan giành tới 12 HCV, đứng hạng sáu châu Á. Các nước luôn đứng trong tốp ba như Việt Nam tại SEA Games là Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a đều có thành tích tốt hơn hẳn chúng ta ở đấu trường châu lục. Gần đây nhất, năm 2014, Ma-lai-xi-a giành năm HCV, In-đô-nê-xi-a giành bốn HCV. Thậm chí các nước có ít HCV SEA Games hơn Việt Nam cũng đạt thành tích tốt hơn hẳn khi tham dự đấu trường châu lục là Xin-ga-po (năm HCV), Mi-an-ma (hai HCV). Việt Nam chỉ có thành tích tương đương Phi-li-pin (một HCV). Nhìn về thành tích ở đấu trường Ô-lim-pích năm 2016, hai nước Thái-lan (hai HCV, hai HCB và hai HCĐ) và In-đô-nê-xi-a (một HCV, hai HCB) đều xếp trên Việt Nam. Ở các kỳ thế vận hội trước đó, Thái-lan và In-đô-nê-xi-a luôn có thành tích tốt hơn Việt Nam, họ đều đặn giành huy chương.
Bằng cách huy động mọi nguồn lực, Việt Nam nhiều năm gần đây luôn đứng trong tốp ba nước dẫn đầu ở các kỳ SEA Games, thậm chí là dẫn đầu khi đăng cai năm 2003. Thế nhưng, từ lâu, chúng ta đã không còn đứng ở tốp ba Đông-Nam Á nếu xét về thành tích tại châu Á và thế giới. Trong khi các nước hàng đầu trong khu vực Đông-Nam Á đều có chiến lược rõ ràng để phát triển thể thao thành tích cao thì dường như Việt Nam còn đang lúng túng. Thái-lan dùng môn cầu mây làm mũi nhọn ASIAD (giành tới bốn HCV) đồng thời có rất nhiều môn khác giành được HCV như xe đạp, đua thuyền, quần vợt, gôn, bốc-xinh… In-đô-nê-xi-a có cầu lông, Phi-li-pin có quyền anh, Xin-ga-po có bơi lội còn Việt Nam vẫn chưa thật sự chọn được môn thế mạnh để đầu tư dài hạn vì môn nào cũng có thành tích nhàng nhàng. Thể thao Việt Nam từng giành được huy chương ở môn tê-cuôn-đô, cử tạ tại Ô-lim-pích sau đó do không được đầu tư thỏa đáng đã tụt hậu, nhất là tê-cuôn-đô. Xạ thủ bắn súng Hoàng Xuân Vinh nếu không được cử đi tập huấn đều đặn ở nước ngoài chắc chắn sẽ không duy trì được thành tích tốt vì điều kiện tập huấn trong nước không đạt tiêu chuẩn.
Loay hoay tìm môn thể thao thế mạnh, và công tác đào tạo VĐV, lại không có được nguồn kinh phí tập trung khiến thể thao Việt Nam khó vươn tầm đẳng cấp châu lục và thế giới. Việc tìm kiếm các tài năng thể thao trẻ ngày càng khó vì đây không phải là ngành nghề có thu nhập cao. Giành được HCV như Hoàng Xuân Vinh thì số tiền thưởng vẫn chưa thể gọi là cao, chưa đủ tiền mua một căn hộ chung cư. Có nhà tài trợ tuyên bố treo thưởng rầm rộ trên báo chí, nhưng lúc VĐV giành HCV Ô-lim-pích thì lại… quên. Sau khi Hoàng Xuân Vinh có HCV Ô-lim-pích, các cơ quan chức năng, người hâm mộ đều thấy sự cần thiết nâng cấp trường bắn tại Việt Nam nhưng chẳng biết bao giờ mới thực hiện được.
Với nguồn kinh phí và cách làm như hiện nay, ngành thể thao Việt Nam sẽ nhiều khả năng vẫn đứng ở tốp ba Đông - Nam Á (và cần hiểu đúng nghĩa đen là sẽ giành số HCV nhiều thứ ba) nhưng sẽ ra sao ở châu lục và thế giới trong tương lai? Đó vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.